Bình Thuận phấn đấu trở thành vùng động lực của khu vực duyên hải Nam Trung bộ

Chia sẻ tin này:

Với những thành tựu đạt được trong những năm qua, cùng với vị trí địa lý và những tiềm năng, lợi thế hiện có, tỉnh Bình Thuận đã và đang phấn đấu trở thành vùng động lực của khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Để đạt được mục tiêu ấy, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh, mới đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiến nghị Chủ tịch Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ tỉnh một số vấn đề liên quan đến kinh tế – xã hội.

Sớm điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, chế biến titan

Đây là một trong những kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội mới đây. Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian qua, quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh có một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan. Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch titan) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1546 ngày 3/9/2013 nêu rõ: Tỉnh Bình Thuận có trữ lượng quặng titan 599 triệu tấn (chiếm 92% tổng trữ lượng titan của cả nước) với 26 khu vực, tổng diện tích 19.527 ha, trữ lượng và tài nguyên 133,3 triệu tấn. Đồng thời, tại Quyết định số 645 ngày 6/5/2014 phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (khu vực dự trữ titan), tỉnh Bình Thuận có 6 khu vực được khoanh định đưa vào dự trữ với diện tích 82.700 ha.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với những kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận.

Ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Bộ Chính trị đã yêu cầu: “… đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế – xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến… titan (Bình Thuận), hoàn thành trước năm 2030”. Theo báo cáo khảo sát của các cơ quan chức năng, khu vực dự trữ titan và Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng diện tích 102.227 ha (chiếm 13% diện tích tự nhiên của tỉnh), phân bố dọc vùng ven biển, dài trên 100 km. Nếu so sánh với các địa phương khác, diện tích khu vực quy hoạch khai thác và khu vực dự trữ titan của tỉnh Bình Thuận quá lớn, gấp 40 lần so với tỉnh Thừa Thiên – Huế và 20 lần so với tỉnh Ninh Thuận.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quy hoạch khai thác, chế biến titan và khu vực dự trữ titan của tỉnh Bình Thuận là vùng tập trung nhiều hoạt động kinh tế; nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Đồng thời là khu vực tiềm năng để thực hiện các dự án đô thị, du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghiệp – thương mại – dịch vụ theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Thuận. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư dự án trên các khu vực dự trữ titan nhưng chưa thể chấp thuận đầu tư vì các khu vực dự trữ titan chưa được Chính phủ quy định thời gian dự trữ nên chưa thể xác định thời gian đầu tư của dự án. Ngoài ra, diện tích đã khoanh định dự trữ dọc ven biển có diện tích lớn cần đưa ra khỏi dự trữ để đầu tư các dự án sử dụng đất lâu dài phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhưng đến nay chưa được điều chỉnh đưa ra và quy định thời gian dự trữ nên khó khăn trong chấp thuận chủ trương đầu tư. Mặt khác, có nhiều khu vực Quy hoạch titan ven biển nếu đưa vào khai thác sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, môi trường sinh thái, phá vỡ cảnh quan, không bảo đảm nguồn nước phục vụ khai thác, tuyển quặng titan.

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản đề nghị Chính phủ sớm đưa ra khỏi khu vực dự trữ titan và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến titan đối với một số vị trí ven biển, khu vực nhạy cảm về môi trường, khu vực khai thác không bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội, có nguy cơ gây mất an toàn, phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Từ đó, để “giải phóng” nguồn lực đất đai, có kế hoạch sử dụng đất tại các khu vực này hiệu quả hơn, phục vụ việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội; nhất là thực hiện Đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia và thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội quan tâm, ủng hộ tỉnh Bình Thuận sớm điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan và khu vực dự trữ titan để tỉnh có điều kiện phát triển bền vững trong thời gian tới.

Phối cảnh hồ La Ngà 3

Sớm triển khai Hồ chứa nước La Ngà 3

Dự án Hồ chứa nước La Ngà 3 (huyện Tánh Linh) được triển khai sẽ góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước trong khu vực 3 tỉnh: Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Hoàn thành xây dựng và nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ”. Bình Thuận là tỉnh khô hạn nhất nước, cần tiếp tục đầu tư hồ chứa nước để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Hồ chứa nước La Ngà 3 trên địa bàn huyện Tánh Linh là công trình chiến lược đa mục tiêu; theo Quy hoạch, hồ có dung tích khoảng 470 triệu m3 nước (gấp gần 1,5 lần tổng dung tích của tất cả các hồ chứa hiện nay trên địa bàn tỉnh). Công trình sẽ góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu về nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt của toàn bộ khu vực phía Nam tỉnh Bình Thuận, một phần tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khó lường như hiện nay.

Dự án hồ La Ngà 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 33 về Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và trong các quy hoạch được phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của tỉnh Bình Thuận. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 tại Quyết định số 1535 ngày 15/9/2021. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, bổ sung thêm 1.500 tỷ đồng trong vốn trung hạn 2021 – 2025 phân bổ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện dự án tại Công văn số 3186 ngày 28/5/2021.

Hiện nay, Dự án hồ La Ngà 3 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi triển khai xây dựng và đưa công trình thủy lợi hồ La Ngà 3 vào hoạt động, những công trình kiến trúc, xây dựng, nhà cửa… trong khu vực lòng hồ sẽ bị ngập, không tiếp tục hoạt động được và phải thực hiện di dời theo quy định; trong đó có dự án thủy điện La Ngâu (46 MW, chưa xây dựng) sẽ bị ngập hoàn toàn trong lòng hồ. Chính vì vậy Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đồng thuận với chủ trương của Chính phủ về việc ưu tiên xây dựng Hồ chứa nước La Ngà 3. Đồng thời, sớm xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hồ La Ngà 3 khi Chính phủ trình.

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm