Chờ ngành xây dựng khởi sắc hơn!
Trong quý đầu của năm 2023, hoạt động xây dựng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu, tỷ giá, lãi suất gia tăng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao. Ngoài ra còn nhiều khó khăn về vốn ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án trên địa bàn.
Ít công trình, thiếu việc
Kết quả khảo sát hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng quý I/2023, có 30,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi, 41,7% ổn định và 27,8% cho rằng khó khăn hơn. Đây là con số thống kê đáng chú ý của lĩnh vực xây dựng, bởi nó cho thấy sự bấp bênh, không liền mạch khiến cho nhà đầu tư, nhà thầu liên tưởng đến nhiều khía cạnh tác động.
Anh Nguyễn Hải – chủ thầu xây dựng tại xã Mương Mán (Hàm Thuận Nam) chia sẻ: “Kể từ sau Tết Nguyên đán 2023, các công trình xây dựng anh nhận được khá khiêm tốn, không đủ để cho thợ có việc làm”. Cánh thợ theo anh cũng đã lâu xây dựng rất nhiều công trình nhà ở, trường, trạm ở TP. Phan Thiết và các xã của Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc. Nhưng năm nay đã hết một quý rồi nhưng công trình xây dựng chỉ nhận được con số đếm trên đầu bàn tay. Anh Hải ngao ngán cho biết: “Một phần do nhiều yếu tố tác động của thị trường bất động sản lắng xuống, giá nguyên vật liệu lên xuống thất thường, nhiều công trình lớn ngưng trệ khiến cho nhân lực ngành xây dựng chơi vơi”.
Đối với lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh ta, ngoài việc thực hiện các công trình trọng điểm, quan trọng, những công trình khi hoàn thành đưa vào sử dụng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cũng khá nhiều. Công tác đầu tư công được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo; thường xuyên đôn đốc, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án, công trình trọng điểm. Một loạt các công trình đã được Tỉnh ủy thống nhất chọn như Chung cư Cà Ty, Kè sông Cà Ty, đường ĐT 719B, Cầu Văn Thánh, đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành… để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đánh giá của UBND tỉnh về nội dung này cho thấy: Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các dự án tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra, nhất là một số công trình giao thông, khu công nghiệp; đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp đạt thấp. Một số dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước còn vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư còn chậm; giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án.
Chờ tín hiệu khả quan
Riêng với phát triển nhà ở có sự khởi sắc hơn khi nội dung này đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết 46/2021. Trên cơ sở đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2943/2021 phê duyệt chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận đến năm 2025. Nếu chia theo loại công trình, ước quý I/2023 công trình nhà ở đạt 1.117,5 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ chủ yếu hộ dân cư xây dựng nhà ở với quy mô và tổng vốn đầu tư lớn; công trình nhà không để ở đạt 563 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ; công trình kỹ thuật dân dụng 1.548,3 tỷ đồng, tăng 18,7% do nhiều doanh nghiệp xây nhà làm việc, trường học hoàn thành trong kỳ; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 257,5 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Để tạo sự thông suốt, khơi thông các điểm vướng khi triển khai thực hiện các công trình trên địa bàn, tỉnh cũng đã chỉ đạo rõ và quyết liệt hơn. Trong đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các dự án đầu tư công. Các ngành liên quan phối hợp tập trung chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, nhất là các công trình trọng điểm; đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Thường xuyên rà soát các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho dự án, tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai.
Tín hiệu chỉ đạo, điều hành đã được tỉnh phát đi nên hy vọng tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, quan trọng, nhà ở sẽ khởi sắc hơn quý đầu của năm. Chính vì vậy: Nhận định trong quý II/2023 có 25% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi, 41,7% ổn định và 33,3% cho rằng khó khăn hơn.